Làm việc tại Nhật Bản mang lại cho thực tập sinh rất nhiều lợi ích to lớn, từ việc được trải nghiệm môi trường mới, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới tới mức thu nhập cao. Tuy nhiên, để không bỡ ngỡ, thiệt thòi trong quá trình đi thực tập sinh tại Nhật Bản, có 11 điều luật lao động Nhật Bản mà bạn cần nắm vững, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
1. Điều kiện làm việc tại Nhật Bản cần phải rõ ràng, tuân thủ hợp đồng đã ký kết.
Đây là điều luật lao động đầu tiên mà bạn cần nắm vững trước khi sang Nhật làm việc. Cụ thể, theo điều 15 trong bộ luật lao động Nhật Bản có quy định: doanh nghiệp và công ty Nhật Bản cần thể hiện chính xác, rõ ràng và đầy đủ các thông tin về điều kiện làm việc tại đơn vị của mình trong hợp đồng lao động được ký kết với thực tập sinh. Tại hợp đồng này, các thông tin cần được hiển thị gồm có mức lương, thời gian làm việc cùng các điều kiện làm việc khác,…
2. Tuyệt đối nghiêm cấm mọi hành vi cưỡng ép và bóc lột sức lao động của thực tập sinh.
Điều luật lao động do pháp luật Nhật Bản đưa ra không chỉ áp dụng với lao động Nhật Bản nói riêng mà còn áp dụng với mọi đối tượng là thực tập sinh đang làm việc tại đất nước mặt trời mọc, trong đó bao gồm cả người Việt Nam. Cụ thể, theo điều 5 và điều 6 của Bộ luật lao động này, chính phủ và pháp luật Nhật Bản quy định người sử dụng lao động không được có hành vi cưỡng ép thực tập sinh làm những việc trái quy định của pháp luật và trái ý muốn của thực tập sinh.
Không chỉ vậy, tại điều luật này cũng nêu rõ ràng rằng phía nhà tuyển dụng Nhật Bản không được phép thu bất kỳ một đồng phí nào trong quá trình phỏng vấn thực tập sinh. Các hành vi bóc lột thực tập sinh như trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng, tự ý tăng thời gian làm việc và không trả lương làm thêm giờ,… đều bị pháp luật Nhật nghiêm cấm và có hành vi xử phạt nếu bị phát hiện.
3. Tuyệt đối nghiêm cấm hành vi phân biệt chủng tộc tại đất nước Nhật Bản.
Theo điều 3 của bộ luật lao động Nhật Bản, phía tuyển dụng lao động tại Nhật Bản tuyệt đối không được có các hành vi phân biệt đối xử giữa những thực tập sinh đến từ những quốc tịch, màu da, tôn giáo hay địa vị xã hội khác nhau…
4. Nghiêm cấm hành vi sa thải thực tập sinh khi gặp sự cố tai nạn nghề nghiệp.
Theo pháp luật Nhật Bản quy định, thực tập sinh trong quá trình làm việc nếu có phát sinh các tai nạn, sự cố liên quan đến công việc đều có quyền nghỉ làm để chữa bệnh tại bệnh viện. Ngoài ra, thực tập sinh khi này còn có thêm 30 ngày nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe sau khi điều trị.
Không những vậy, điều 19 của luật lao động của Nhật Bản còn quy định trong thời gian này, người sử dụng lao động tuyệt đối không được phép sa thải thực tập sinh.
5. Cần tuân thủ các phương pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho thực tập sinh.
Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho thực tập sinh, điều 59 và điều 66 của luật lao động Nhật Bản cũng quy định phía doanh nghiệp, công ty và nghiệp đoàn Nhật Bản cần phải thực hiện các biện pháp như tổ chức tập huấn an toàn lao động, trang bị đồ bảo hộ lao động,… cũng như cần cho thực tập sinh khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 lần/ năm.
6. Trước khi sa thải cần báo cho thực tập sinh trước tối thiểu 30 ngày.
Theo điều 20 và điều 21 của luật lao động Nhật Bản, người sử dụng lao động muốn sa thải nhân viên của mình bắt buộc phải báo cho nhân viên đó trước tối thiểu là 30 ngày. Quyết định sa thải lao động phải được thể hiện bằng văn bản và được công ty phê duyệt.
Trong trường hợp phía doanh nghiệp, công ty Nhật không tuân thủ điều luật trên thì thực tập sinh được quyền yêu cầu chi trả lương cho khoảng thời gian thông báo chậm đó.
7. Cần tuân thủ quy định về mức lương tối thiểu theo vùng tại Nhật Bản.
Để bảo đảm chi phí sinh hoạt cho thực tập sinh, luật pháp Nhật Bản có đưa ra quy định về mức lương tối thiểu từng vùng. Theo đó, các doanh nghiệp, công ty, người sử dụng lao động buộc phải chi trả cho thực tập sinh với mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu đó.
8. Điều 24 luật lao động Nhật Bản quy định về hình thức thanh toán tiền lương.
Theo điều 24 của luật lao động Nhật, người sử dụng lao động phải chi trả lương cho nhân viên ít nhất 1 lần trên tháng. Thời gian chi trả lương tùy thuộc vào quy định của Công ty và hợp đồng ký kết giữa Công ty và thực tập sinh.
9. Thời gian làm việc của thực tập sinh.
Ngoài quy định về mức lương tối thiểu, luật lao động Nhật Bản cũng đưa ra quy định về thời gian làm việc và nghỉ ngơi của thực tập sinh. Cụ thể, thời gian làm việc chính của lao động tại Nhật Bản không được vượt quá 8 tiếng/ ngày và 40 – 44 tiếng/ tuần. Thời gian làm việc này không bao gồm thời gian nghỉ giải lao.
Ngoài ra, theo điều 35 trong bộ luật lao động, thực tập sinh sẽ được nghỉ ngơi ít nhất 1 ngày/ tuần và ít nhất 4 ngày/ tháng.
10. Quy định về mức lương và thời gian tăng ca.
Điều 37 trong bộ luật lao động Nhật Bản cũng đưa ra quy định về thời gian và cách tính lương tăng ca với thực tập sinh. Theo đó, lương tăng ca, làm thêm giờ trong ngày thường sẽ là 125% lương cơ bản tính theo ngày; lương làm thêm cuối tuần là 135% và lương làm thêm ngày lễ là 160%.
Không những vậy, với những người làm việc ca đêm thì luật cũng đưa ra quy định đó là lương cơ bản
sẽ cao hơn so với lương làm ca ngày.
11. Quy định của luật pháp Nhật Bản về trường hợp hoàn trả tiền khi thực tập sinh không may gặp rủi ro.
Theo điều 23 của luật lao động Nhật Bản, nếu thực tập sinh từ chức hoặc không may qua đời thì phía công ty buộc phải hoàn trả các khoản tiền còn thiếu cho thực tập sinh đó trong vòng 7 ngày. Ngoài ra, toàn bộ giấy tờ liên quan đến thực tập sinh đó cũng buộc phải gửi lại cho thực tập sinh hoặc người thân của họ.
Trên đây là 11 điều luật lao động Nhật Bản mà người đi thực tập sinh Nhật Bản cần phải nắm được. Với những hiểu biết trên, bạn sẽ không lo bị thiệt thòi trong quá trình làm việc tại xứ người.